Tép ong (Tên quốc tế: Caridina Shrimps) là một trong những loại tép cảnh có sức hút người chơi rất đông đảo, bởi chúng rất đa dạng về màu sắc và chủng loại. Tuy nhiên chúng còn rất hạn chế và khó tiếp cận đối với những người mới nhập môn bởi điều kiện setup 1 bể nuôi tép ong cần phải hội tụ nhiều yếu tố phức tạp hơn tép màu và tép sula. Ở bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn một quy trình setup bể nuôi tép ong theo kinh nghiệm của mình và một số trại tép ong ở vn đã áp dụng theo.

Lựa chọn máy lạnh hay chiller?: Như chúng ta đã biết tép ong thuộc dòng tép lạnh, chúng sống và sinh sản ở nhiệt độ 22-24 độ C do vậy nếu bạn đang ở khu vực vùng miền có không khí lạnh thì nhiệt độ không phải là vấn đề. Còn đối với những bạn đang sống ở khu vực nóng ấm thì hay chuẩn bị cho mình một chiếc máy lạnh hoặc chiller làm lạnh nước. Việc chọn máy lạnh hay chiller phụ thuộc vào số lượng hồ mà bạn chơi tép, nếu bạn có ít hồ thì có thể sử dụng máy làm lạnh nước chiller, và ngược lại nếu bạn có chơi nhiều hồ để tiết kiệm chi phí thì hay gắn máy lạnh để tiết kiệm.

Lựa chọn nền nuôi tép ong: Trên thị trường có rất nhiều chủng loại nền có thể nuôi được tép ong, tuy nhiên để lựa chọn ra một loại nền để chúng ta có thể nuôi tép lâu dài, khỏe mạnh, tép sinh sản tốt thì hãy tìm tới các loại nền mà các bậc tiền bối, các trại tép lớn họ đang tin dùng. Loại nền nuôi tép ong được cho là hiệu quả nhất đó chính là nền ADA Aqua Soil-Amazonia v1 tuy nhiên do hãng đã ngưng sản xuất bản 1 này khá lâu rồi nên việc tìm kiếm loại nền này để chơi thì quả nhiên là rất khó. Thay vào đó hiện nay các trại tép, người chơi đã tìm ra một loại nền mới có thể thay thế nền ADA Aqua Soil-Amazonia mà vẫn giữ được tiêu chí mong muốn của anh em nuôi tép (tép khỏe, sứ đẹp, sinh sản tốt, tép không ch.ết lai rai ). Loại phân nền nuôi tép mình muốn giới thiệu ở đây chính là nền Baby Boom Soil X2 (viết tắt là BBS x2), loại nền này đến từ Nhật Bản được rất nhiều trại tép trong và ngoài nước sử dụng, tuy nhiên đối với kinh nghiệm cá nhân của mình thì khi sử dụng loại nền này chúng ta vẫn nên mix thêm nền Benibachi bởi nền này chứa hàm lượng acid Fulvic tự nhiên giúp các chú tép ong tăng cường khả năng hấp thụ các vitamin và khoáng chất, tăng tỉ lệ giữ tép con khi được sinh ra.

Lựa chọn vi sinh và khoáng nuôi tép ong: Có thể anh em chơi tép đã quá quen thuộc đối với các loại vi sinh bột rải nền đến từ Đài Loan tuy nhiên ở bài này thì mình lại ưu tiên 2 loại vi sinh nước đó là seachem stabilityBioDigest, bởi nhìn chung thì rất khó có thể đánh giá loại nào tốt hơn, tuy nhiên thì khi sử dụng vi sinh dang nước sẽ có một lợi thế là không bị vẩn đục như vi sinh dạng bột trong thời gian đầu setup bể nuôi tép ong.

Chọn lọc cho bể nuôi tép ong: Đối với các dạng hồ nhỏ có kích thước 40cm trở về, các bạn hoàn toàn có thể sử dụng các loại lọc bio đơn, đôi. Đối với các hồ có kích thước từ 50cm trở lên nếu có thể bạn nên cung cấp một chiếc lọc treo hoặc lọc thùng để đảm bảo lượng vi sinh dồi dào, tự tin khi thay nước với trữ lượng lớn mà vẫn đảm bảo được hệ vi sinh bên trong hồ không bị sụt giảm gây nên mất cân bằng. Một điều lưu ý nữa khi sử dụng các loại lọc thùng hay lọc treo các bạn nên để chế độ đầu out nước ra bằng đường ống phun tia không nên sử dụng ống ra dạng mỏ vịt dễ gây sốc cho tép. (gợi ý 1 số lọc sủi bio: lọc bio tam giác, lọc bio qanvee 100a-200a – Gợi ý lọc treo: sunsun hbl 801, 802, 803 – Gợi ý lọc thùng: atman df 500, 700, 1000, 1300).

Chọn đèn nuôi tép ong: cũng như các dòng tép khác, tép ong cũng không kén đèn, bạn chỉ cần cung cấp cho hồ nuôi tép ong một chiếc đèn có ánh sáng vừa đủ để đánh lên rêu là được.

Chọn cây trồng trang trí bể tép: Do môi trường nuôi tép ong rất thích hợp để cây thủy sinh phát triển, do đó một hồ nuôi tép ong bạn có thể trồng được rất nhiều các loại cây thủy sinh đa dạng khác nhau điển hình như (các dòng tiêu thảo, ráy, bucep, dương xỉ, rêu, liễu răng cưa…). Bên cạnh đó bạn cũng có thể trang trí thêm các đồ chơi trang trí để tạo điểm nhấn tô nên vể đẹp của bể tép đồng thời tạo thành nơi trú ẩn cho tép con khi sinh ra.

bể nuôi tép ong mẫu

Qúa trình setup một bể nuôi tép Ong:

  1. Trải nền cho bể: sử dụng 2/3 loại nền BBS X2 mix với 1/3 nền benibachi trải đều lên mặt đáy của hồ hoặc 1 góc hồ đều được.
  2. Sử dụng nước lọc RO: do đặc tính của dòng tép lạnh nên việc sử dụng nước RO là điều bắt buộc.
  3. Trâm khoáng và vi sinh: ngay từ khi setup bể hãy trâm vi sinh và khoáng chất đầy đủ để hệ vi sinh nước nhanh ổn định và làm quen với môi trường mới này. (khoáng sử dụng nutrafin, vi sinh bột, stability, biodegest).
  4. Cây trồng: sau 2-3 ngày setup và chạy lọc bạn có thể trang trí các loại cây thủy sinh vào bên trong bể để dần hình thành hệ sinh thái, đồng thời hút bớt dinh dưỡng thừa từ nền mới set.
  5. sau 2 tuần setup bạn nên thay bớt 30-50% nước trong bể, vào lại nước ro mới và trâm khoáng sao cho ngưỡng TDS lên 120-140 để chuẩn bị thả tép.
  6. sau 3-4 tuần setup bể, lúc này bạn có thể thả tép, ban đầu hãy thả những dòng tép ong hạng thường để test môi trường, nếu sau 2-3 ngày tép khỏe bạn hoàn toàn có thể thả thêm các dòng tép khác mà mình yêu thích.